LOẠT BÀI VỀ TIÊU CHUẨN CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT CỦA TẠP CHÍ DOANH NGHIỆP VÀ THƯƠNG HIỆU NÔNG THÔN

Bài 1: Từ câu chuyện lô sầu riêng bị trả lại đến câu hỏi quản lý chất BVTV

06:04 | 23/04/2025

DNTH: Cuối tháng 3/2025, một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng từ Tiền Giang sang Trung Quốc nhận thông báo lô hàng 18 tấn bị trả lại vì phát hiện dư lượng hoạt chất chlorpyrifos vượt ngưỡng cho phép. Đây không phải là lần đầu tiên sầu riêng Việt bị từ chối tại thị trường Trung Quốc – nơi tưởng chừng là “dễ tính” hơn nhiều so với EU hay Nhật Bản.

Tính riêng quý I năm nay, đã có ít nhất 6 lô sầu riêng bị nước bạn từ chối hoặc yêu cầu tiêu hủy tại cửa khẩu vì lý do dư chất vượt chuẩn.

Mỗi vụ việc như vậy thường được nhìn nhận như một "tai nạn kỹ thuật", một phần do nông dân chưa quen tuân thủ quy trình, một phần do thiếu hệ thống giám sát chặt chẽ từ khâu trồng trọt đến đóng gói.

Nhưng có một câu hỏi lớn hơn bị bỏ quên, đó là: nếu những trái sầu riêng ấy không được kiểm tra ở cửa khẩu mà quay đầu bán trong nước – như đã từng xảy ra với nhiều mặt hàng khác – thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm với người tiêu dùng nội địa? Có một thực tế không mấy dễ chịu: thị trường trong nước đang được đối xử với một hệ tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với thị trường xuất khẩu. Hệ luỵ ai sẽ gánh, hay phải chăng người Việt Nam đã quen và dễ dãi trong thói quen tiêu dùng?

Khi xuất khẩu, mỗi lô hàng phải trải qua hàng loạt thủ tục: có mã số vùng trồng, giấy kiểm dịch, kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận chi phí cao để được test mẫu tại các phòng phân tích đạt chuẩn ISO, bởi chỉ cần một sai sót, hàng chục tấn nông sản có thể bị trả về, bị từ chối thanh toán hoặc hủy mã số vùng trồng. Thế nhưng, trong thị trường nội địa – nơi tiêu thụ hơn 80% sản lượng nông sản cả nước – quy trình kiểm tra gần như không có tính hệ thống. Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật năm 2023, tỷ lệ mẫu nông sản được kiểm tra dư lượng BVTV trong nước chỉ khoảng 5%, chủ yếu tại các siêu thị lớn hoặc trong một số chiến dịch kiểm tra đột xuất. Phần lớn nông sản bán tại chợ dân sinh, chợ đầu mối hay thông qua thương lái chưa được kiểm nghiệm an toàn.

Ở tầng gốc, nông dân vẫn là người sử dụng trực tiếp các loại thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng không phải ai cũng được hướng dẫn đầy đủ về danh mục được phép sử dụng, thời gian cách ly hay liều lượng pha chế. Tại nhiều vùng trồng, việc ghi chép nhật ký canh tác – một tiêu chí bắt buộc để được cấp mã số vùng trồng – chỉ được làm hình thức. Sau khi có mã số để xuất khẩu, quy trình thực hành nông nghiệp tốt lại bị lơi lỏng, nhất là với những sản phẩm tiêu thụ nội địa. Bởi lẽ, với thị trường trong nước, gần như không ai yêu cầu minh bạch thông tin canh tác, cũng không có cơ chế kiểm soát chất lượng đầu vào nghiêm ngặt.

Ở khâu giữa, thương lái và các điểm thu mua trở thành nút cổ chai quan trọng. Họ thường thu gom nông sản từ nhiều vườn khác nhau, đôi khi trộn lẫn mà không rõ nguồn gốc cụ thể. Việc kiểm tra dư chất thuốc BVTV hầu như không được thực hiện ở cấp độ thương lái, một phần vì thiếu thiết bị, một phần vì lợi nhuận là yếu tố ưu tiên. Một cán bộ kỹ thuật tại hợp tác xã trồng sầu riêng ở Đắk Lắk chia sẻ rằng HTX có thực hiện test nhanh ngẫu nhiên trước thu hoạch, nhưng khi thương lái đến mua, lại gom hàng từ nhiều hộ khác nhau, làm vô hiệu hóa mọi nỗ lực kiểm soát trước đó.

Còn ở tầng cao hơn – cơ quan kiểm tra nhà nước – hệ thống giám sát an toàn thực phẩm nội địa hiện tại vừa yếu, vừa thiếu, không đủ sức dàn trải. Các phòng kiểm nghiệm của địa phương thường thiếu máy móc hiện đại, ngân sách hạn hẹp, nhân sự mỏng và phân tán. Hoạt động lấy mẫu tại chợ đầu mối hay vùng trồng chưa mang tính thường xuyên, phần nhiều mang tính “chiến dịch”. Trong khi đó, chế tài xử phạt nếu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng lại không đủ mạnh để tạo tính răn đe. Đã có những lô rau củ bị phát hiện vi phạm nhưng chỉ bị phạt hành chính vài triệu đồng, sau đó vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Sự phân tán trách nhiệm từ người trồng, thương lái, nhà đóng gói cho tới cơ quan kiểm tra khiến nông sản nội địa rơi vào một vùng xám về chất lượng. Không ai đủ quyền hạn và cũng không ai đủ năng lực để đứng ra cam kết rằng những gì bày bán tại chợ hôm nay là an toàn. Nếu lô hàng xuất khẩu gặp sự cố, có thể xác định ngay đơn vị vi phạm, truy ngược lại mã số vùng trồng. Nhưng với hàng bán trong nước, việc xác định nguồn gốc đôi khi là bất khả thi. Và chính điều đó dẫn đến hệ quả: Không ai chịu trách nhiệm thì trách nhiệm chung cuộc lại đổ lên vai người tiêu dùng.

Câu chuyện từ những lô sầu riêng bị trả lại vì dư chất không chỉ là vấn đề kỹ thuật. Đó là dấu hiệu của một hệ chuẩn kép trong quản lý chất lượng nông sản: hàng xuất khẩu phải sạch – còn hàng trong nước thì “thế nào cũng được”. Khi người dân trong nước phải tiêu thụ những mặt hàng mà thị trường nước ngoài từ chối, đó không chỉ là sự bất công mà còn là một cuộc đánh đổi âm thầm, nơi sức khỏe cộng đồng bị đặt dưới lợi ích trước mắt.

Chúng ta nói nhiều về chiến lược thương hiệu nông sản, về chuyển đổi số và phát triển bền vững. Nhưng nếu không thể xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nội địa, tương đương với tiêu chuẩn xuất khẩu, thì mọi nỗ lực phát triển chuỗi giá trị sẽ luôn đứng trước nguy cơ đổ vỡ từ gốc. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta có đủ quyết tâm để làm điều đó không – hay sẽ tiếp tục sống chung với vùng xám trách nhiệm, với những trái sầu riêng bị trả lại rồi quay về bàn ăn người Việt?!

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Xuất khẩu thủy sản lần đầu lép vế trước cà phê

DNTH: Theo Cục Hải quan, trong quý 1, xuất khẩu cà phê đạt 496 nghìn tấn, trị giá 2,8 tỷ USD, giảm 15,3% về lượng nhưng tăng tới 45,8% về kim ngạch so với cùng kỳ 2024. Cũng trong quý 1, xuất khẩu thủy sản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với...

Cam xanh nghĩa tình 'giải cứu' nông sản bền vững

DNTH: Hiện các tỉnh miền Tây đang vào vụ thu hoạch cam sành, thế nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn, chương trình “Cam xanh nghĩa tình” ra đời với một cách tiếp cận mới: chuyển từ “giải cứu” ngắn hạn sang giải pháp tìm đầu ra...

Xuất khẩu sắn, cần đề cao phương thức chế biến

DNTH: Ngành sắn Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt kim ngạch gần 1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2024, nhưng lại giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Sự phụ thuộc vào Trung...

Ớt chỉ thiên giá 68.000đ/kg, nông dân lãi to dù mất mùa

DNTH: Năm nay do ảnh hưởng thời tiết mưa lạnh kéo dài khiến năng suất ớt giảm, nhưng giá ớt đang rất cao nên nông dân vẫn lãi to.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sẽ chịu thiệt hại vì thuế đối ứng của Mỹ

DNTH: Chính quyền Donald Trump áp thuế nhập khẩu chung và thuế đối ứng với từng đối tác thương mại, trước mắt sẽ gây tổn thất cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Tìm hướng đi cho sàn giao dịch nông sản

DNTH: Các sàn giao dịch nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nông dân với thị trường, giúp nâng cao giá trị nông sản và đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch. Tuy nhiên, để các sàn này hoạt động hiệu quả và thực sự...

XEM THÊM TIN