Các địa phương tập trung phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

06:12 | 27/07/2024

DNTH: Dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương trong cả nước đang thực hiện các giải pháp phòng chống không để dịch lan rộng.

*Tại Hậu Giang: Từ ngày 3/7 đến nay, trên địa bàn thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang xuất hiện 3 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngành chức năng đã tiến hành khoanh vùng, xử lý, khống chế nguồn lây nhiễm bệnh. Hiện nay, chưa phát hiện dấu hiệu lây lan, không có lợn bệnh và chết do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, từ ngày 3/7 đến nay xảy ra 3 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 17 hộ chăn nuôi, tại xã Hoả Lựu (ngày 3/7) và xã Vị Tân (8/7) và phường III (ngày 18/7) của thành phố Vị Thanh. Tổng số lợn chết, tiêu hủy là 145 con, tổng trọng lượng gần 3 tấn. Đến chiều ngày 25/7, dịch bệnh được kiểm soát tốt, chưa có chiều hướng lây lan. Tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (18/7/2024) đến nay đã hơn 8 ngày trên địa bàn tỉnh không có lợn bệnh và chết do dịch tả châu Phi gây ra.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, sau khi phát hiện các ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, lực lượng chuyên môn và địa phương đã triển khai khẩn cấp các biện pháp khống chế dịch bệnh. Đồng thời, tập trung phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy số lợn mắc bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức tiêu độc khử trùng theo đúng hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Ngành tiến hành rà soát, thống kê lại đàn lợn hiện có trên địa bàn để chủ động trong phòng, chống dịch; cử lực lượng giám sát hố tiêu hủy lợn, thực hiện nghiêm nguyên tắc an toàn sinh học tại ổ dịch và không để lây lan ra diện rộng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện và theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc tập trung hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch đã xuất hiện, không để phát sinh thêm ổ dịch mới. Xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Địa phương tổ chức triển khai việc tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh.

Đến nay, lực lượng chuyên môn tại thành phố Vị Thanh đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch và vùng lân cận được 82.009 m2, tương đương trên 108 lít hóa chất; sử dụng trên 91,3 kg vôi bột để tiêu độc, sát trùng. Các biện pháp xử lý và khống chế nguồn lây đã và đang được cơ quan chức năng triển khai chặt chẽ với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

*Tại Quảng Bình: Tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; trong đó, xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bệnh bùng phát, kéo dài trên địa bàn quản lý.

Các huyện, thành phố, thị xã huy động nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định; thực hiện hỗ trợ hoặc đề xuất kinh phí hỗ trợ giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, khuyến khích xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về tính chất nguy hiểm, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan và biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi; khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo, chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh truyền nhiễm động vật khác.

Tỉnh Quảng Bình hiện có tổng đàn lợn gần 262.000 con. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6 xã thuộc 4 huyện gồm Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và thành phố Đồng Hới. Các lực lượng chức năng đã tiêu hủy 163 con lợn với tổng trọng lượng gần 11.700 kg; hiện còn 3 xã có ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Theo TTXVN

Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/cac-dia-phuong-tap-trung-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-20240726170103471.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Những cánh đồng 'mở đường' nhân rộng 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Kết quả đánh giá từ những cánh đồng thí điểm là cơ sở để tỉnh Kiên Giang nhân rộng diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Trái cây an toàn, chất lượng nhờ công nghệ giám sát ruồi vàng

DNTH: Sử dụng công nghệ IoT giám sát ruồi vàng giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng trừ, không phải đợi đến khi ruồi vàng gây hại quá nặng mới xử lý.

Nông dân huyện đảo Lý Sơn áp dụng tưới tiết kiệm

DNTH: Công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) áp dụng vừa giảm chi phí nhân công và tiết kiệm nguồn nước.

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

DNTH: Nông nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cá nhân xuất sắc, những người đã đạt được thành công kinh tế đáng kể thông qua các mô hình sản xuất và kinh doanh sáng tạo. Họ là những người dám nghĩ, dám làm...

Kỳ vọng lớn từ mô hình trồng ba kích tím tại huyện miền núi tỉnh Bắc Giang

DNTH: Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với huyện Sơn Động triển khai Đề án phát triển vùng trồng cây ba kích tím theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây được xem là giải...

Đưa khoai tây về miền nắng gió

DNTH: Khoai tây - loài cây ưa lạnh và khí hậu mát mẻ, lại sống khỏe trên vùng đất cát pha nắng gió Quảng Bình, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương.

XEM THÊM TIN