Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng

10:11 | 25/03/2025

DNTH: Dù mới chỉ bắt đầu bước vào mùa khô nhưng hiện nay, nhiều ao, hồ trên địa bàn Tây Nguyên đã cạn trơ đáy, hàng trăm ha cây trồng thiếu nước tưới trầm trọng.

Sông suối khô cạn dù mới đầu mùa khô

Mùa khô Tây Nguyên mang theo nắng gắt, mặt đất nứt nẻ, ao hồ cạn kiệt. Hàng trăm hecta cây trồng thiếu nước, vườn cà phê, hồ tiêu úa vàng. Nông dân mong mưa nhưng hạn hán vẫn kéo dài. 

Theo Chi cục Thuỷ lợi và Tài nguyên nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum, hiện khoảng 380 ha lúa, cây công nghiệp, rau màu ở tỉnh Kon Tum đang thiếu nước do hồ, đập, trạm bơm không đủ cung cấp.

Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng- Ảnh 1.

Thời điểm này mới đầu mùa khô, nhưng nhiều con suối, ao, hồ đã trơ đáy.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum, nắng nóng xuất hiện từ tháng 3 ở phía Tây và Nam tỉnh, có xu hướng mở rộng và kéo dài đến tháng 5.

Tại hồ thủy lợi A2 (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà), nguồn nước tưới chính cho rẫy cà phê lân cận, mực nước đã giảm hơn một nửa do nắng gắt kéo dài và nhu cầu tưới tăng cao. Hàng chục hộ dân dùng máy bơm hút nước, lo ngại nguồn nước không đủ duy trì lâu hơn.

Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng- Ảnh 2.

Theo người dân xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), nếu thời tiết nắng gắt như hiện nay, một vài tuần tới, hồ chứa nước A2 đứng trước nguy cơ cạn trơ đáy.

Đang vận hành máy bơm tại lòng hồ, ông Trần Văn Bình (40 tuổi, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) lo lắng: "Gia đình tôi có 2ha cà phê gần hồ. Năm nay hạn hán đến sớm, suối nhỏ đã cạn. Người dân đổ về hồ A2 bơm nước ngày càng đông. Nếu không có mưa, hồ cũng cạn nhanh thôi".

Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng- Ảnh 3.

Người dân tận dụng nguồn nước ít ỏi còn sót lại để cứu cây trồng giữa mùa nắng hạn gay gắt.

Ông Hoàng Văn Bình (thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) chia sẻ: "Hạn hán năm nay khắc nghiệt quá! Hồ sau nhà trơ đáy, giếng cũng cạn dần, trong khi cà phê đang cần nước nhất. Tôi vét từng chút nước còn sót lại nhưng vẫn không đủ tưới. Nếu thiếu nước, cà phê sẽ mất mùa, trái nhỏ, năng suất giảm. Đào thêm giếng cũng chẳng còn bao nhiêu nước".

Gồng mình chống hạn

Trước tình trạng hạn hán nghiêm trọng, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Kon Tum yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ mực nước hồ chứa để điều tiết hợp lý.

Các biện pháp được triển khai gồm tưới luân phiên, tiết kiệm nước, ưu tiên tưới từ khu xa đầu mối đến khu gần, khu cao trước khu trũng sau. Đồng thời, kiểm tra, khắc phục rò rỉ, thất thoát nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới hiệu quả.

Các địa phương triển khai nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để đảm bảo nguồn nước tưới. Khi khô hạn xảy ra, tùy tình hình thực tế, cần tận dụng nguồn nước từ khe suối, ao, hồ, đặt máy bơm bổ sung hoặc đắp đập tạm để chống hạn.

Tại tỉnh Gia Lai, hạn hán nghiêm trọng khiến nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã ADơk (huyện Đăk Đoa), 46/120ha lúa Đông Xuân đang thiếu nước, thiệt hại từ 70% đến mất trắng. 

Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đăk Đoa, cho biết, cánh đồng Đak Kơl (xã Trang) cũng bị khô hạn nặng, hàng chục ha lúa không thể cứu vãn, buộc phải cắt bỏ làm thức ăn cho gia súc.

Hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên: Nông dân chật vật giữ nước cho mùa màng- Ảnh 4.

Nhiều diện tích lúa cháy khô, người dân ngậm ngùi cắt bỏ cho bò ăn.

Bà Blan (SN 1974, xã A Dơk) buồn bã cho biết, gia đình có tổng cộng 2,5 sào lúa và 400 cây cà phê. Nếu được mùa, bình quân mỗi vụ thu hoạch khoảng 8 tạ thóc, đủ lương thực cho 5 người trong nhà. Năm nay lúa đang làm đòng nhưng ruộng đồng khô hạn, nứt nẻ nên nhà bà Blan mất trắng, phải cắt về cho bò ăn.

 

Thông tin với Người Đưa Tin, ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện (Gia Lai) cho biết, diện tích lúa nước vẫn đủ nước tưới nhờ sông Ayun Ha. 

Tuy nhiên, khoảng 15.000ha cây trồng cạn đang thiếu nước nghiêm trọng do ao hồ, giếng bắt đầu cạn.

Tình trạng khô hạn năm nay gay gắt hơn, mưa ít, nhiệt độ cao kéo dài khiến nhiều sông suối khô cạn. Một số khu vực, người dân phải đào giếng sâu hơn, kéo nước từ xa nhưng vẫn không đủ.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con tưới tiết kiệm, áp dụng tưới nhỏ giọt để giảm hao hụt. Đồng thời, điều tiết nước từ các hồ chứa còn khả năng cung cấp, ưu tiên vùng sản xuất trọng điểm và đề xuất hỗ trợ khoan giếng tại khu vực có thể khai thác nước ngầm.

Theo Người đưa tin

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/han-han-khoc-liet-o-tay-nguyen-nong-dan-chat-vat-giu-nuoc-cho-mua-mang-204250324135502028.htm


Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Những cánh đồng 'mở đường' nhân rộng 1 triệu ha lúa chất lượng cao

DNTH: Kết quả đánh giá từ những cánh đồng thí điểm là cơ sở để tỉnh Kiên Giang nhân rộng diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Trái cây an toàn, chất lượng nhờ công nghệ giám sát ruồi vàng

DNTH: Sử dụng công nghệ IoT giám sát ruồi vàng giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng trừ, không phải đợi đến khi ruồi vàng gây hại quá nặng mới xử lý.

Nông dân huyện đảo Lý Sơn áp dụng tưới tiết kiệm

DNTH: Công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng được người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) áp dụng vừa giảm chi phí nhân công và tiết kiệm nguồn nước.

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

DNTH: Nông nghiệp Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều cá nhân xuất sắc, những người đã đạt được thành công kinh tế đáng kể thông qua các mô hình sản xuất và kinh doanh sáng tạo. Họ là những người dám nghĩ, dám làm...

Kỳ vọng lớn từ mô hình trồng ba kích tím tại huyện miền núi tỉnh Bắc Giang

DNTH: Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng sản xuất, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với huyện Sơn Động triển khai Đề án phát triển vùng trồng cây ba kích tím theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây được xem là giải...

Đưa khoai tây về miền nắng gió

DNTH: Khoai tây - loài cây ưa lạnh và khí hậu mát mẻ, lại sống khỏe trên vùng đất cát pha nắng gió Quảng Bình, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương.

XEM THÊM TIN