Luận điểm giản dị của Bác Hồ về báo chí cách mạng

11:11 | 21/06/2018

DNTH: “Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” - Trong bài “Cách viết” (năm 1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một luận điểm giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, bởi đó chính là phong cách làm báo của Người. Lời dạy của Bác trở thành tư tưởng chủ đạo của báo chí cách mạng nước ta: Báo chí cách mạng phải phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đấy cũng là chân lý của báo chí cách mạng, là tuyên ngôn của các nhà báo chân chính Việt Nam.

gfk8_3b

Các nhà báo tác nghiệp trong chuyến đi thực tế tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ảnh: Anh Tuấn

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cứu nước, cứu dân, Người luôn coi trọng sử dụng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù của dân tộc, đồng thời tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bản thân Người là tấm gương làm báo sáng ngời, là người thầy của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam.

Là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, bận trăm công nghìn việc quốc kế dân sinh, nhưng trong 50 năm viết báo cách mạng, Bác Hồ đã có trên 2 nghìn bài báo thuộc các thể loại, viết cho các báo và tạp chí ở trong và ngoài nước, bằng nhiều thứ tiếng, với 174 bút danh. Những bài báo của Bác thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, với phong cách đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới, thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng và hướng tới những giá trị cao đẹp chân – thiện - mỹ. Hoạt động cách mạng kiên cường, với tầm trí tuệ trác tuyệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ thiên tài của dân tộc, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc tầm cỡ quốc tế và là một nhà báo vĩ đại, Danh nhân văn hóa thế giới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?, Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?” Bác chỉ ra những nhiệm vụ vừa khái quát, vừa cụ thể của các nhà báo, đồng thời đề cao tính trung thực - một đặc trưng hàng đầu của báo chí và đây là sự mở rộng luận điểm nổi tiếng nói trên về báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời, để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. Nói cách khác, Bác phê phán hai khuynh hướng “tô hồng” và “bôi đen” của báo chí nói chung và khẳng định báo chí cách mạng phải phản ánh trung thực hiện thực khách quan, với mục đích là “Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”.

Bác còn nhắc nhở: “Phải tránh lối viết rau muống, nghĩa là lằng nhằng, tràng giang đại hải, làm cho người xem như là đi vào rừng, chẳng hiểu gì cả”. Bác căn dặn các nhà báo phải đề cao tiếng nói của dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng; viết giản dị, dễ hiểu và viết phải “thiết thực”.

Người khẳng định, viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại”. Chủ thể sáng tạo tác phẩm báo chí là con người, vì vậy, Bác coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 9-1962), Người tổng kết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".

Từ tư tưởng chỉ đạo báo chí và sự quan tâm chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí và những người làm báo, báo chí cách mạng nước ta không ngừng phát triển và trưởng thành. Báo chí cách mạng Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của mình trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc và ngày nay đang phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, có uy tín cao với báo chí thế giới. Báo chí thật sự là một lực lượng quan trọng tham gia quản lý đất nước, phản biện xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị, đưa đất nước ngày càng phát triển. Trách nhiệm công dân, vị thế xã hội cũng như đời sống của những người làm báo ngày càng được nâng cao.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi theo “Cách viết” của Người, những người làm báo hiện nay đang tích cực học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, ra sức phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để làm tròn sứ mệnh đối với Tổ quốc và nhân dân. Lời dạy của Bác Hồ: “Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”, đang được các nhà báo nỗ lực thể hiện ở sự sáng tạo, ở chất lượng và hiệu quả của các tác phẩm báo chí.

Theo Đào Ngọc Đệ/ Biên phòng

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Tổng Bí thư đề nghị Nhật Bản tăng cường hợp tác nông nghiệp công nghệ cao

DNTH: Hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chiều 27/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai nước tăng cường hợp tác nông nghiệp công nghệ cao.

Người dân cần đến công an nơi cư trú để xử lý phạt nguội

DNTH: Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) vừa đưa ra khuyến cáo người dân nên nộp “phạt nguội” ở nơi thường trú thay vì đến nơi phát hiện vi phạm nhằm hạn chế ùn tắc hồ sơ, quá tải.

Thời tiết nông vụ ngày 25/4 - Tây Nguyên, Bắc Bộ và Nam Bộ có mưa

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 25/4, ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 80mm.

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng tới hết năm 2026

DNTH: Tiếp tục chương trình của phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/4 về việc cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá...

Thời tiết nông vụ ngày 24/4 - Trung Bộ tiếp tục nắng nóng

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 24/4, thời tiết trên cả nước ghi nhận nhiều hình thái trái ngược, trong đó, Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông, khu vực Trung Bộ tiếp tục chịu ảnh...

Thời tiết nông vụ ngày 22/4: Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục nắng nóng

DNTH: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng tại nhiều khu vực trên cả nước, trong đó Bắc Bộ, Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ vượt ngưỡng 38 độ C.

XEM THÊM TIN