Trồng xen ngày càng được người dân áp dụng

10:01 | 25/07/2019

DNTH: Tại Tây Nguyên, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê đã được nông dân áp dụng rộng rãi, nhiều mô hình cho hiệu quả cao. Những nhà vườn có kinh nghiệm rút ra rằng: Xen canh là xu hướng tất yếu.

 

Báo cáo từ Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện tỉnh này đang có trên 2.300ha cà phê được trồng xen cây ăn quả. Các loại cây trồng xen chủ yếu là sầu riêng, bơ, mít, với mục đích vừa là làm cây chắn gió, che bóng mát cho cà phê, vừa tăng thu nhập, giảm rủi ro khi giá cả nông sản biến động theo chiều hướng xấu.

16-57-54_hinh_nh1

Trồng xen là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả canh tác.

Tính riêng trong năm 2018, trong tổng số 4.554ha cà phê xuống giống (cả trồng mới lẫn tái canh), có khoảng 635ha có trồng xen với bơ, sầu riêng, mít. Qua kiểm tra, đánh giá mô hình ở các địa phương cho thấy: Việc trồng xen bơ, mít, sầu riêng trong vườn cà phê bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập trung bình cao gấp 4 - 5 lần so với cà phê trồng thuần (độc canh).

Với lão nông Đào Văn Chủy (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh), diện tích đất trống trong vườn và phê đã "tặng" ông 250 triệu đồng mỗi năm từ việc xen canh cây sầu riêng.

"Ban đầu, thấy khoảnh đất trống trong vườn cà phê, tôi trồng vài cây sầu riêng với suy nghĩ chỉ để vợ con ăn thôi. Mấy năm sau, cây cho quả sai và ngon, tôi quyết định chọn giống, trồng vào tất cả những chỗ trống trong vườn cà phê".

Đến nay, ông Chủy đã có trên 150 cây sầu riêng được trồng xen canh trong vườn cà phê. Theo tính toán của ông Chủy thì, năm nay ông sẽ thu được khoảng 15 tấn sầu riêng, với giá 50 - 55 ngàn đồng/kg như vừa rồi, ông cầm chắc 750 triệu đồng từ vườn sầu riêng này.

Ông Hà Ngọc Uyển - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Gia Lai: "Xét cả về mặt lý luận lẫn thực tế thì, trồng đa canh trên cùng một đơn vị diện tích sẽ cho hiệu quả cao hơn cả về ba mặt: Kinh tế - kỹ thuật - môi trường. Tuy nhiên, mỗi địa phương nên tìm loại cây trồng xen canh cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương mình. Ngoài ra, cần có sự liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...".

Ngoài việc sầu riêng trồng xen canh ở những nơi đất trống, ông Chủy còn tranh thủ những nơi đất trống xung quanh vườn cà phê, trồng được 80 cây bơ Booth.

"Để làm hàng rào chắn gió, nhưng mấy năm vừa qua, gia đình tôi cũng thu được hơn một trăm triệu đồng mỗi năm từ những gốc bơ này đấy" - ông Chủy cười tươi.  

Kon Tum: Đánh giá khả quan

Tại tỉnh Kon Tum, đến thời điểm hiện tại có khoảng gần 2.000ha cà phê có trồng xen các loại cây ăn quả (khoảng 8 - 10% tổng diện tích cà phê hiện có của tỉnh). Các loại cây ăn quả được trồng xen với cà phê ở Kon Tum, chủ yếu cũng là mít, bơ, sầu riêng, cam...

Đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum: Cây cà phê trong vườn cà phê có trồng xen cây ăn quả sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trồng thuần, tất nhiên là phải giữ được mật độ hợp lý.

Với phân bón, chỉ cần đầu tư một lượng nhỏ phân lân, phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh vào giai đoạn đầu của cây trồng xen.

Về nước tưới, lượng nước tưới cho cây cà phê trong vườn cà phê có trồng xen với cây ăn quả ít tốn hơn so với trồng thuần, làm tăng hiệu quả sử dụng nước khoảng 17,7%.

Cụ thể, để sản xuất ra 1 tấn cà phê (trong vườn cà phê có trồng xen) chỉ cần 500m3 nước, trong khi nếu trồng thuần thì phải hết 600m3 nước để có được 1 tấn cà phê.

16-57-54_mo_hinh_trong_xen_su_rieng_trong_vuon_c_phe_cho_thu_nhp_co

Mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê mang lại thu nhập cao.

Về năng suất và hiệu quả kinh tế, qua kiểm tra mới nhất cũng cho thấy một kết quả đáng mừng: Năng suất vườn cà phê trồng xen tương đối ổn định. Với mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê mật độ 90 cây/ha, sẽ cho năng suất cà phê là 3,2 tấn/ha, doanh thu 128 triệu đồng/ha, lợi nhuận 67 triệu đồng/ha; năng suất sầu riêng sẽ là 3,5 tấn/ha, doanh thu 105 triệu đồng/ha, lợi nhuận 87 triệu đồng/ha; tổng cộng, doanh thu 233 triệu đồng/ha, lợi nhuận 154 triệu đồng/ha. Tính ra, lợi nhuận từ 1ha cà phê trồng xen cao hơn lợi nhuận cà phê trồng thuần khoảng 50 triệu đồng.

Với các loại cây trồng xen khác trong vườn cà phê như bơ, mít..., hiệu quả kinh tế cũng cao hơn so với chỉ trồng thuần cà phê trên cùng một đơn vị diện tích.

Vùng trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ở Kon Tum, chủ yếu là ở các địa phương như huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum. Đây là những địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cà phê.

Đánh giá bước đầu cho thấy, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê phát huy được hiệu quả kinh tế, thu nhập tăng thêm từ việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê bình quân 50 - 60 triệu đồng/ha.

Về chất lượng, vườn cà phê kinh doanh có trồng xen cây ăn quả đã cải thiện được chất lượng của hạt cà phê. Cụ thể, bóng râm làm cho hạt cà phê nặng và lớn hơn do ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian của quá trình chín quả được kéo dài ra...

Lợi ích từ việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê:

- Giảm cường độ ánh sáng cao trong mùa nắng

- Tránh hiện tượng sai quả quá mức, dễ gây hiện tượng khô cành, khô quả

- Điều hòa được nhiệt độ trong vườn cà phê, hạn chế hiện tượng sương giá

- Hạn chế tác hại của gió, cỏ dại, sự bốc thoát hơi nước

- Cải thiện độ phì của đất

- Cải thiện phẩm chất của hạt cà phê (hạt to, chất thơm)

- Kéo dài tuổi thọ vườn cà phê

- Tăng tính đa dạng sinh học trong vườn cà phê, hạn chế sâu hại đơn thực

- Tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu rủi ro trong độc canh cà phê

 

Theo LAM GIANG – ĐÌNH THUNG/Báo Nông Nghiệp

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Phát triển kinh tế xanh phải gắn liền với chuyển đổi số

DNTH: Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay kinh tế xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Quá trình chuyển đổi xanh không thể tách rời chuyển đổi số, đồng thời phải được...

Tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim

DNTH: Vườn quốc gia Tràm Chim thực hiện nhiều chính sách tạo sinh kế cho 50 nghìn hộ dân sinh sống xung quanh để họ yên tâm làm ăn và hạn chế xâm lấn vào vườn.

Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp xanh

DNTH: Nỗ lực với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, đến nay, trên địa bàn Hà Nội ngày càng hiện hữu nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ vừa bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn, vừa góp phần bảo vệ môi...

Nhân dân vùng cực Nam vững niềm tin đón Xuân mới

DNTH: Còn ít giờ nữa là người dân Cà Mau cùng với người dân khắp nơi sẽ bước vào năm Ất Tỵ 2025. Đón chào Xuân mới với khí thế mới, người dân nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc càng thêm nhiều niềm tin, khát vọng để...

Sửa quy định tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới

DNTH: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 15/1/2025 sửa đổi khoản 8 Điều 1 Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn...

Sóc Sơn chuyển mình mạnh mẽ, nông thôn khởi sắc

DNTH: Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn huyện Sóc Sơn (thành phố Hà Nội) đã có nhiều khởi sắc, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

XEM THÊM TIN