Dấu ấn doanh nhân Lưu Quang Lãm ở cụm điện gió Đông Thành 9.452 tỉ đồng

11:20 | 03/09/2021

DNTH: Việc phát triển các dự án điện gió Đông Thành 1 và 2 có sự tham gia của Công ty TNHH Thái Hoà, CTCP Đầu tư Khai thác Cảng (IMP) và nay là CTCP BCG Energy – thành viên của Bamboo Capital.

CTCP Bamboo Capital (Mã CK: BCG) vừa công bố phương án chào bán 148,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Với mức giá chào bán 12.000 đồng/cp, công ty dự kiến sẽ huy động được 1.785,2 tỉ đồng. Trong đó, BCG muốn chi 800 tỉ đồng để góp vốn vào CTCP BCG Energy (BCG Energy) thực hiện các dự án nhà máy điện gió Đông Thành 1 và 2.

Theo tìm hiểu của VietTimes, bộ đôi dự án điện gió Đông Thành 1 và 2 toạ lạc tại khu vực ven biển huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, với tổng vốn đăng ký lên tới 9.452 tỉ đồng.

Các dự án này đã được BCG Energy thâu tóm từ cuối năm 2020 thông qua việc nắm tới 93,6% cổ phần của Công ty TNHH Điện Gió Đông Thành 1 (Đông Thành 1) và Công ty TNHH Điện Gió Đông Thành 2 (Đông Thành 2). Các pháp nhân này đều được thành lập vào ngày 3/11/2020 bởi Công ty TNHH Thái Hoà (Thái Hoà) và CTCP Đầu tư Khai thác cảng (IMP) với tỉ lệ góp vốn lần lượt là 65% và 35% vốn điều lệ.

Trong đó, Thái Hoà được thành lập từ tháng 3/2004, là hạt nhân lõi trong ‘hệ sinh thái’ của doanh nhân Trần Tiến Lợi (SN 1970), chuyên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận.

Tuy nhiên, so với IMP, quy mô của Thái Hoà (tại thời điểm cuối năm 2019) vẫn còn khá khiêm tốn.

‘Hệ sinh thái’ của doanh nhân Lưu Quang Lãm

Sự tham gia của IMP trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là một động thái gây nhiều sự chú ý. Bởi lẽ, công ty của doanh nhân kín tiếng Lưu Quang Lãm trước đó được biết tới rộng rãi trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông vận tải.

Dấu ấn doanh nhân Lưu Quang Lãm ở cụm điện gió Đông Thành 9.452 tỉ đồng ảnh 1
Ông Lưu Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Khai thác cảng

Sinh năm 1959, vị doanh nhân quê Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có một thời gian dài công tác tại Tổng Công ty Sông Đà và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) trước khi phát triển sự nghiệp kinh doanh riêng, tập trung trong mảng giao thông.

Giai đoạn từ tháng 1/1981 – 12/1987, ông Lưu Quang Lãm công tác tại Phòng Vật tư – CNV Quốc phòng (Quân chủng Không quân). Từ tháng 1/1988 – 6/2003, ông chuyển sang làm Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thiết bị Phụ tùng Tp. HCM. Từ tháng 7/2003 – tháng 1/2007, ông Lãm làm Trưởng phòng dự án Chi nhánh Tổng Công ty Sông Đà tại Tp. HCM.

Sau ngày Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà Đinh La Thăng chuyển sang PVN làm Chủ tịch HĐTV không lâu, ông Lãm cũng rời Tổng Công ty Sông Đà, chuyển sang công tác tại một đơn vị thành viên của PVN, là Tổng Công ty Tài chính dầu khí (PVFC).

Trong giai đoạn tháng 2/2007 – tháng 12/2008, ông Lãm lần lượt đảm nhiệm các vai trò Phó Giám đốc, Giám đốc PVFC chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban rà soát hoạt động đầu tư & tín dụng PVFC chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 1/2010, ông Lưu Quang Lãm gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng với việc thành lập IMP, đặt trụ sở chính trên đường Ngô Quyền, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cập nhật tới tháng 7/2018, ông Lãm góp 370 tỉ đồng, sở hữu tới 74% cổ phần của IMP.

IMP đã tham gia vào nhiều dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông như: Dự án BOT Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương (1.679 tỉ đồng); Dự án nạo vét cửa sông Cổ Chiên (Châu Thành, Trà Vinh); Dự án nâng cấp tuyến luồng kênh Cái Tráp (Hải Phòng) giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BT với Cục Hàng hải Việt Nam.

Năm 2015, công ty này từng có ý định liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Công Italian Thai (ITD) của Thái Lan để thực hiện dự án đường sắt Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức PPP với kinh phí khoảng 800 triệu USD.

IMP còn nắm lượng lớn cổ phần của CTCP Xây dựng và Phát triển giao thông Việt Nam – cựu thành viên của Cienco1; CTCP Đầu tư Khai thác cảng biển hàng hải An Thới (sở hữu quyền khai thác cảng biển An Thới trong 30 năm). Bên cạnh đó, IMP cũng là cổ đông lớn của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (Mã CK: SGN) với tỉ lệ sở hữu tính đến 30/6/2021 là 7,61% vốn điều lệ.

Ông Lưu Quang Lãm cũng được biết đến là nhà đầu tư được Cienco1 chấp thuận chào bán cổ phần của CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại du lịch – Cienco1 với giá chuyển nhượng 9.180 đồng/cp, thấp hơn mệnh giá (10.000 đồng/cp).

Ngoài ra, ông Lãm còn đứng tên tại CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và năng lượng, Công ty TNHH MTV Khai thác cảng Kim Chân, Công ty TNHH MTV Khai thác cảng-287, CTCP Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM).

IMP làm ăn ra sao?

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, IMP (công ty mẹ) không phát sinh doanh thu trong các năm 2018 và 2019. Trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này chỉ báo lãi một lần duy nhất vào năm 2018 với khoản lãi ở mức 75,7 tỉ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của IMP đạt 1.273,2 tỉ đồng, cao gấp 2,7 lần quy mô vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý, dù có nhiều năm thua lỗ, IMP của ông Lưu Quang Lãm vẫn nhận được sự hỗ trợ tín dụng từ các thành viên trong ‘hệ sinh thái’ của một vị đại gia khác cùng quê Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh./.

Copy Link

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

ROX Key đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng

DNTH: Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2025 của ROX Key đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu ở mức 1.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức.

Làn sóng doanh nghiệp mới trong nông nghiệp đang dâng cao

DNTH: Giới trẻ không còn rời quê để lập nghiệp. Trái lại, ngày càng nhiều doanh nghiệp mới – phần lớn do những người trẻ sáng lập – đang chọn nông nghiệp làm bệ phóng phát triển lâu dài. Công nghệ, đổi mới tư duy và khát vọng...

Nghị định thư là chìa khóa, nhưng doanh nghiệp nhỏ cần phải tự mở

DNTH: Nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã mở ra nhiều cơ hội. Nhưng không ít doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã nông nghiệp vẫn đứng ngoài cuộc chơi xuất khẩu...

Doanh nghiệp Việt ứng phó trước chính sách thuế quan của Hoa Kỳ

DNTH: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, đặc biệt là áp lực từ các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không còn chọn cách “đứng yên chờ đợi”. Thay vào đó, các doanh nghiệp chủ động mở...

Tín dụng nông thôn: SME “khát vốn” giữa lúc ngân hàng siết room

DNTH: Trong khi dòng vốn tín dụng bị kiểm soát để ổn định lạm phát, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) khu vực nông thôn đang gặp bế tắc nghiêm trọng về tiếp cận nguồn vốn. Những chương trình tín dụng ưu đãi tuy đã được ban...

Quý I, 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

DNTH: Theo báo cáo của Cục Thống kê, Bộ Tài chính mới công bố, quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt gần 356.800 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 4%,...

XEM THÊM TIN