Phải bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng

16:10 | 05/07/2019

DNTH: Minh bạch, sòng phẳng, không gian lận, đáng lý phải là trách nhiệm của mọi doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là đòi hỏi về đạo đức, phẩm chất kinh doanh, đồng thời cũng là điều tiên quyết để bảo vệ sự phát triển bền vững của nền kinh tế, uy tín thương hiệu. Đáng tiếc là những điều này lại không được thực hiện phổ biến trong mối quan hệ mua bán hàng hóa, nếu không muốn nói là việc quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng ngày càng bị xâm hại.

Tuy nước ta đã có hẳn một đạo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được ban hành năm 2010, có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2011, nhưng việc người tiêu dùng phát hiện, khiếu kiện, tố cáo kẻ làm hàng giả, bán hàng giả không hề dễ dàng. Và để được cơ quan quản lý hay chính quyền cơ sở xem xét, giải quyết càng khó hơn.

Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Bộ Công Thương, qua 8 năm thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã hình thành được hệ thống các  cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương. Số lượng các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng đã gia tăng từ 44 hội trên cả nước vào năm 2012, lên 57 hội vào năm 2018. Tuy nhiên, thời gian qua, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng lại bộc lộ nhiều hạn chế. Phần lớn các quy định của Luật chỉ phù hợp với các giao dịch kinh doanh tiêu dùng có tính truyền thống, mà chưa tính đến một số phương thức kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử và công nghệ 4.0. Luật chưa xác định được vị trí trong quan hệ với các luật chuyên ngành, thiếu quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện các quy định của Luật này.

Nhiều cách thức, hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng rất mới và tinh vi so với cũ lại chưa được bổ sung vào phần hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan. Việc thực thi Luật gặp khó khăn vì thiếu người, thiếu tiền, số tiền dùng cho việc này ở Bộ Công thương chưa vượt mức một tỷ đồng mỗi năm, còn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ bố trí được vài chục triệu đến 100 triệu đồng.

Rõ ràng là cần phải có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì quyền lợi của người tiêu dùng mới được bảo vệ chắc chắn và hiệu quả hơn. Trong đó, có sự bổ sung quy định, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải được ưu tiên bảo vệ, khái niệm tranh chấp xuyên biên giới, các chủ thể mới xuất hiện trong các hình thức kinh doanh, một số hành vi cấm phải xử lý hình sự nếu vi phạm. Cũng cần bổ sung chính sách, cơ chế hỗ trợ các tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tạo cơ sở để hình thành hệ thống cơ quan chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia và cổng thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tổ chức hiệp hội kinh doanh, kinh tế, xã hội cần hoạt động tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa quyết định tước danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao của công ty Asanzo vì báo chí phát hiện, dư luận lên tiếng doanh nghiệp này bán hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại dán nhãn mác hàng Việt Nam, là một việc làm đáng hoan nghênh của Hội này.

Cùng với các cơ quan quản lý kinh tế, thực thi pháp luật, các hiệp hội kinh doanh tiến hành các việc làm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì các bộ ngành có nhiều sự liên đới trách nhiệm đến sự mua bán hàng hóa trên thị trường và đời sống nhân dân cũng cần tham gia tích cực vào việc này.

Như với việc bảo đảm chất lượng, độ an toàn của thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm thì không thể không nói đến vai trò của Bộ Y tế. Bộ này vừa tổ chức họp tổng kết thực hiện công tác đấu tranh chống buân lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2019, triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT - TTg ngày 19/6/2018 của Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng dạng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Bộ Y tế cho biết thời gian qua Bộ đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, xử phạt hàng chục cơ sở vi phạm, riêng lĩnh vực thực phẩm đã phạt hành chính 15 cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm về chất lượng, sự an toàn vệ sinh, quảng cáo sai, với tổng số tiền lên đến 912 triệu đồng. Bộ sẽ tiếp tục thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về chất lượng thuốc chữa bệnh, thực phẩm, mỹ phẩm, chú ý nhiều đến việc kiểm tra phát hiện cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chất lượng hàng khác nhãn hiệu, khác quảng cáo.

Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua thương mại điện tử, mua bán Online, cũng được nói nhiều trong các cuộc hội thảo mới đây về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, thậm chí hàng cấm được chào bán công khai trên Website là mặt trái của sự phát triển thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng gia tăng, từ đầu năm tới nay trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được, có tới 60% tố cáo liên quan tới thương mại điện tử. Thế mà chống gian lận thương mại ở bên ngoài là thế giới thực còn đang rất khó và vất vả, huống chi là chống hàng giả trên mua bán Online. Các công ty chuyển phát dường như trở thành công cụ tiêu thụ hàng giả hàng nhái, hàng chuyển phát phần lớn không có hóa đơn chứng từ là kẽ hở rất lớn khiến rất khó kiểm soát, xử lý. Thế nên cần phải điều chỉnh về chính sách, luật pháp vì đặc điểm của Internet là được khởi tạo nhanh nhưng biến đi cũng nhanh, bị phát hiện hàng giả lập tức xóa ngay, mà muốn xử phạt lại phải có chứng cứ.

Ngoài ra, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương trong năm nay xây dựng Nghị định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, thay cho Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013, trong đó có hẳn một chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong thương mại điện tử, đưa vào những chế tài mạnh, phù hợp, có sức răn đe cao.

Các sàn thương mại điện tử cũng cần tăng cường trách nhiệm của mình khi vào “chợ”, phải có công cụ sàng lọc sản phẩm hàng hóa thường xuyên. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ người tiêu dùng nói chung, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của chính  mình, cũng như của mọi người trong xã hội, sẵn sàng đấu tranh dưới nhiều hình thức, như lên tiếng phản đối ngay, từ chối mua hàng gian, hàng kém chất lượng, hàng giả, hay cung cấp sự việc cho các cơ quan, hiệp hội có chức trách, tiêu chí hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông tin với các báo, đài, về những hành vi, việc bán hàng gian dối của những cá nhân, doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thiếu đạo đức trong kinh doanh, gây tổn hại cho sự lành mạnh và phát triển chính đính, bền vững dài lâu của nền kinh tế đất nước./.

                                                                                                   

Theo Trung Vũ

Báo Thanh Tra

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

EVNNPC đẩy nhanh tiến độ các công trình ứng phó với nắng nóng

DNTH: Để ứng phó với mùa nắng nóng sắp tới, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang tăng tốc triển khai nhiều dự án điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình nâng cao công suất và cải tạo lưới điện.

Nestlé Việt Nam kỷ niệm 30 năm thành lập, khẳng định niềm tin đối với thị trường Việt Nam

DNTH: Nestlé vừa tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam. Nhân dịp này, Nestlé công bố tăng vốn hoạt động tại Việt Nam với khoản đầu tư lên gần 1.900 tỷ đồng vào việc mở rộng nhà máy Nestlé Trị An tại...

Gia đình trẻ mê tít VinFast VF 6: “Xe điện tầm trung nhưng trải nghiệm tầm cao”

DNTH: VinFast VF 6 đang chiếm trọn cảm tình của nhiều gia đình trẻ khi vừa sở hữu công nghệ thông minh, vừa có chi phí sử dụng thấp lại dễ tiếp cận hơn nhiều so với xe xăng cùng phân khúc.

4 bánh nhưng linh hoạt, tiết kiệm hơn 2 bánh, Minio Green chinh phục mọi người, mọi nhà

DNTH: Tiềm năng khai thác đa dạng, giá bán hợp lý và chi phí siêu tiết kiệm, Minio Green được đánh giá đáp ứng đủ mọi nhu cầu của người dùng Việt, từ sử dụng trong gia đình tới kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) báo lãi tăng 73% sau kiểm toán

DNTH: Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 (đã kiểm toán) với lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, tăng 73% so với năm trước. Như vậy LPBank đã hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận được...

Ngày hội việc làm 2025 tại Đại học Lâm nghiệp: Cầu nối giữa sinh viên và doanh nghiệp

DNTH: Với mục tiêu định hướng và hỗ trợ sinh viên tiếp cận thị trường lao động trong nước và quốc tế, mới đây Trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức thành công Ngày hội Việc làm 2025, thu hút sự tham gia của gần 500 sinh viên....

XEM THÊM TIN