Vấn đề quy hoạch tại những huyện chuẩn bị lên quận: Cần đạt tiêu chí cao hơn

10:37 | 13/07/2020

DNTH: Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội, những huyện như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành quận. Ngoài yêu cầu khách quan của quá trình đô thị hóa, việc hoàn thành các tiêu chí trở thành quận đòi hỏi phải đầu tư cho công tác quy hoạch, với tầm nhìn và tiêu chí cao hơn.

Huyện Đông Anh đang điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích cây xanh, công trình công cộng trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Tân

Nâng cao một số tiêu chí

Là một trong những địa phương được định hướng phát triển trở thành quận, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh Nguyễn Quang Đặng cho biết, theo quy hoạch, 88,68% đất tự nhiên của huyện được xác định là vùng đô thị trung tâm mở rộng. Đến nay, đã có 13/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt. Từ đó, nhiều dự án lớn đã được lập quy hoạch chi tiết 1/500 để triển khai đầu tư. Đối với 81 khu dân cư hiện hữu, huyện đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 72 đồ án, nghiên cứu đề xuất 4 đồ án. Trong quá trình nghiên cứu, huyện cập nhật các tiêu chí quy hoạch của phường đô thị.

Về đầu tư hạ tầng, ông Nguyễn Quang Đặng thông tin, ngoài các tuyến cao tốc, quốc lộ hay một số tuyến giao thông được thành phố và trung ương đầu tư, huyện phải hoàn thiện 20 tuyến giao thông khung (trong đó có 4 trục chính đô thị, 14 tuyến liên khu vực…).

Tương tự, tại huyện Hoài Đức, cơ bản các quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt. Trên cơ sở đó, huyện đã cụ thể hóa bằng các quy hoạch chi tiết cũng như các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, quy hoạch huyện chia thành 2 vùng, gồm: Vùng trong Vành đai 4 phát triển đô thị (gồm 12 xã, thị trấn) đã được thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu S2, S3, S4, GS. Đối với quy hoạch các xã ngoài vùng phát triển đô thị, từ năm 2012, huyện đã lập, phê duyệt quy hoạch 19/19 xã, thị trấn. 8 xã điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới cũng đã được huyện phê duyệt quy hoạch năm 2019, làm cơ sở khớp nối hạ tầng với vùng quy hoạch phát triển đô thị theo tiêu chí phường. Bên cạnh các tuyến giao thông thành phố đầu tư, quản lý, huyện Hoài Đức cũng đang tập trung xây dựng các tuyến giao thông khung với quy mô mặt cắt từ 16m trở lên, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; nâng cấp các tuyến đường thôn, xóm theo hướng nhựa hóa.

Tại huyện Gia Lâm, việc thực hiện quy hoạch chung đang tạm dừng để chờ điều chỉnh quy hoạch các phân khu đô thị N9, N10, N11.

Theo kiến trúc sư Lã Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Công nghiệp – nông nghiệp – nông thôn (Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội), khu vực ngoại thành nói chung và một số huyện ven đô nói riêng cơ bản đã được phủ kín quy hoạch phân khu đô thị. Song, để đáp ứng tiêu chuẩn của quận, phường, một số tiêu chí tại các quy hoạch đang được điều chỉnh theo hướng nâng cao. Cụ thể, Sở định hướng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội trên cơ sở dành tối đa quỹ đất theo tiêu chuẩn mới, nhằm đưa một số vùng nông thôn tiệm cận chuẩn đô thị.

Thi công cải tạo tuyến đường Ỷ Lan, đoạn qua địa bàn xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang


Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đưa một số huyện của Hà Nội phát triển thành quận là xu thế của đô thị hóa. Tuy nhiên, khác với các tiêu chí quy hoạch nông thôn, khung tiêu chuẩn đô thị đòi hỏi cao hơn. Đặc biệt, cần tính toán đến hạ tầng vì đây là nhóm tiêu chí rất quan trọng để trở thành quận. Với các quy hoạch đang triển khai, theo kiến trúc sư Đỗ Lương Quân (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), không nhất thiết phải tạm dừng mà có thể vừa làm vừa điều chỉnh, cập nhật các khung tiêu chí mới theo chuẩn đô thị, vừa tránh lãng phí, vừa không ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch.Đầu tư nhiều hơn cho công tác quy hoạch 

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, ngày 1-6-2020, Sở đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy hoạch, kiến trúc đối với các huyện dự kiến phát triển lên quận. Trong đó, đối với khu vực dân cư hiện hữu, sẽ từng bước phủ kín quy hoạch chi tiết, tích hợp các nội dung, tiêu chí nông thôn mới nâng cao với các nội dung, tiêu chí thuộc “Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050” (Quyết định số 6170/QĐ-UBND ngày 5-11-2019 của UBND thành phố Hà Nội). Với quy hoạch chi tiết, sẽ tái cấu trúc các đơn vị ở nhỏ nhất (từ 4.000 đến 20.000 người ở) theo hướng mở rộng quỹ đất dự trữ, nâng chỉ tiêu quỹ đất trường học, thiết chế văn hóa, cây xanh, công trình công cộng…

“Sở cũng lưu ý các huyện nghiên cứu chỉnh trang, phát triển các điểm dân cư tập trung trên địa bàn xã theo mô hình phường trong tương lai; hạn chế phát triển các nhóm nhà ở lẻ không bảo đảm đồng bộ, chỉ xem xét bố trí các dự án phát triển khu nhà ở, khu đô thị mới có quy mô trên 20ha với các chức năng kết nối hạ tầng đô thị đồng bộ”, ông Nguyễn Trúc Anh thông tin.

Giải thích về việc phải lập quy hoạch vùng huyện (như với huyện Gia Lâm, Đan Phượng), ông Nguyễn Trúc Anh cho biết, đây là những địa phương có tỷ lệ đất đô thị nhỏ hơn 70% diện tích tự nhiên. Trong quy hoạch vùng huyện sẽ hình thành quy hoạch khu chức năng quy mô từ 500ha trở lên; từ đó lập quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm xã, điểm dân cư hiện có để bảo đảm đồng bộ về hạ tầng… “Từ huyện trở thành quận đòi hỏi các địa phương phải đầu tư nhiều hơn cho công tác quy hoạch, với tầm nhìn và tiêu chí cao hơn”, ông Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Theo Hà Nội Mới

Ý kiến bạn đọc...

Gửi
Hủy

Dỡ tòa nhà Hàm cá mập với chi phí 0 đồng

DNTH: Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) ngày 18/3/2025 đã có văn bản đề xuất xin phá dỡ công trình “Hàm cá mập” tại số 7 Đinh Tiên Hoàng (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hình thức không...

Hội thảo "Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ"

DNTH: Sáng nay, ngày 4/4/2025 tại Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc, TP. Thanh Hóa, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh: Động lực phát triển bền vững khu vực Bắc...

Hành trình khám phá ẩm thực độc đáo ở trái tim Thụy Sỹ

DNTH: Khi nhắc đến Interlaken (Thụy Sĩ), nhiều người thường nghĩ đến những cảnh quan tuyệt đẹp của dãy Alps và hồ nước trong vắt. Đây là một thị trấn nằm ở khu vực trung tâm của Thụy Sĩ, thuộc bang Bern.

Trong tháng 4 mưa đá có thể xuất hiện nhiều

DNTH: Cơ quan khí tượng dự báo, trong giai đoạn giao mùa (tháng 4) dễ xuất hiện dông lốc, mưa đá, nhất là ở khu vực vùng núi và ven biển.

Nguy hại từ tã, bỉm không rõ nguồn gốc, xuất xứ

DNTH: Thị trường tã, bỉm cho trẻ em tại Việt Nam đang chứng kiến sự xuất hiện của rất nhiều các sản phẩm gắn mác "nhập khẩu". Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo hoa mỹ về "bỉm Hàn, Nhật cao cấp" là những chiêu trò mập mờ...

Chuyện nhỏ mà không nhỏ cùng lon sữa Hismart tại Khánh Hòa

DNTH: Đối với nhiều em bé, uống sữa là một điều hiển nhiên – một thói quen mỗi sáng trước khi đến lớp, một ly sữa ấm trước giờ đi ngủ. Nhưng với nhiều em nhỏ tại Khánh Hòa, việc uống sữa lại trở thành một điều xa xỉ....

XEM THÊM TIN